|
Phân phối dữ liệu Cospas-Sarsat (Ảnh minh họa) |
Được thiết lập từ năm 1985 bởi bốn quốc gia bao gồm: Canada, Pháp, Nga và Mỹ, hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat là hệ thống thông tin toàn cầu thu nhận các Thông tin báo động Cấp cứu và thông tin vị trí tai nạn trên biển, hàng không hay trên đất liền phục vụ đắc lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Thiết bị đầu cuối của hệ thống Cospas-Sarsat là các phao vô tuyến hoạt động trên tần số 406 MHz. Trong trường hợp khẩn cấp, các thiết bị này sẽ phát tín hiệu báo nạn bao gồm thông tin về vị trí, mã nhận dạng phao và các thông tin mã hóa khác lên vệ tinh của Hệ thống Cospas-Sarsat. Tín hiệu báo nạn sẽ nhanh chóng được Đài thu tín hiệu vệ tinh/Trung tâm Điều hành thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat (hay còn gọi là LUT/MCC) thu nhận, xử lý và chuyển tiếp tới các cơ quan tìm kiếm cứu nạn thích hợp để trợ giúp kịp thời. Ngoài việc thu nhận thông tin chuyển về từ các LUT liên đới, các MCC còn tiếp nhận thông tin từ các MCC khác trong hệ thống. Sau đó, MCC sẽ phân phối dữ liệu báo nạn tới các cơ quan tìm kiếm cứu nạn (RCC), các điểm phối hợp tìm kiếm cứu nạn (SPOC) hay các MCC quốc gia khác. Và việc phân phối dữ liệu này phải đảm bảo thật sự hiệu quả, nhanh chóng và chính xác nhất.
Bài viết sẽ giới thiệu một số thủ tục chung cho việc phân phối dữ liệu báo nạn Cospas-Sarsat:
-
Phân phối theo phân vùng địa lý:
Theo quy định của Cospas-Sarsat, mỗi MCC sẽ đảm nhiệm một vùng trách nhiệm hay vùng dịch vụ để phân phối dữ liệu báo động cấp cứu. Một báo động cấp cứu thu nhận được có thể có vị trí nằm trong vùng trách nhiệm của MCC đó, hoặc có vị trí nằm trong vùng trách nhiệm của MCC khác. Và tùy vị trí của phao, thủ tục phân phối dữ liệu sẽ khác nhau:
-
Vị trí phao nằm trong vùng trách nhiệm của một MCC
Khi nhận được dữ liệu báo động có vị trí phao nằm trong vùng trách nhiệm của mình, MCC sẽ chuyển tiếp dữ liệu báo động đó cho SPOC hoặc RCC quốc gia thích hợp, phù hợp với thủ tục áp dụng theo quốc gia hoặc hệ thống Cospas- Sarsat. Cụ thể đối với thông tin dữ liệu báo động có vị trí phao nằm trong vùng trách nhiệm MCC Việt Nam : Trung tâm VNMCC sẽ xử lý thông tin báo động cấp cứu từ phao Cospas – Sarsat, phân tích xác minh và truyền phát thông tin tới các tổ chức liên quan dưới đây :
-
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt nam, đối với thông tin từ phao EPIRB
-
Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng không, không đối với thông tin từ phao ELT
-
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đối với thông tin từ phao PLB
-
Các trung tâm tìm kiếm cứu nạn của Lào hoặc Campuchia gọi là các LAOSPOC hoặc CMBSPOC, đối với các phao EPIRB, ELT, PLB có vị trí ở Lào hoặc Campuchia.
-
Vị trí phao nằm trong vùng trách nhiệm của một MCC khác:
Khi nhận được dữ liệu báo động có vị trí phao nằm trong vùng trách nhiệm của một MCC khác, MCC sẽ chuyển tiếp dữ liệu báo động đó đến MCC thích hợp, theo đúng các thủ tục được áp dụng của Cospas-Sarsat như mô tả trong Phụ lục III/A và III/B của tài liệu DDP.
-
Trường hợp các báo động chưa xác định được vị trí của phao:
Khi một đài thông tin vệ tinh quỹ đạo cực (LEOLUT) không thể tính toán được một vị trí cho một phao hoặc một phao được phát hiện bởi một đài thông tin vệ tinh địa tĩnh (GEOLUT), và thông tin duy nhất có sẵn là bức điện phao. Nếu dữ liệu này không chứa một vị trí mã hóa, báo động này sẽ được gọi là báo động chưa xác định vị trí phao. Trong những trường hợp thông tin có sẵn chỉ là những nhận dạng số chứa trong các điện phao bao gồm một mã quốc gia chỉ định nước đăng ký phao.
-
Phân phối theo mã phao:
Đối với các báo động cấp cứu không có vị trí: các MCC sẽ dựa trên các thông tin mã hóa trong phao để xác định quốc gia đăng ký phao, và sẽ chuyển tiếp tới MCC của quốc gia đó.
-
Phân phối tới quốc gia đăng ký phao (NOCR):
Đối với những phao đăng ký quốc gia bị nạn ngoài vùng trách nhiệm của MCC quốc gia đó, các MCC khác khi nhận được báo động cứu nạn sẽ thông báo tới quốc gia liên quan. Dịch vụ này đảm bảo chắc chắn mỗi quốc gia có phao đăng ký được thông báo về phao của quốc gia đó khi phao được kích hoạt.