• Điện thoại: +84-(0)225 382 2181
  • Fax: +84-(0)225 384 2979

Thủ tục Hủy báo động cấp cứu giả từ phao EPIRB

Thứ Hai, 31/10/2016, 08:48 GMT+7

(VNMCC) – Phao EPIRB 406 MHz là phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp được sử dụng trong các ứng dụng hàng hải nhằm phát đi tín hiệu cấp cứu trong trường hợp tàu gặp nạn. Tuy nhiên việc phao EPIRB phát báo động cấp cứu giả đã nhiều lần xảy ra, gây khó khăn cho các cơ quan tìm kiếm cứu nạn do người sử dụng chưa nắm rõ các thủ tục hủy báo động cấp cứu từ phao EPIRB.

Phao EPIRB 406 MHz là phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp được sử dụng trong các ứng dụng hàng hải. Hoạt động trên tần số 406,0- 406,1MHz các phao phát xạ cảnh báo thông tin mã hóa kỹ thuật số có chứa ít nhất 1 số nhận dạng của con tàu. Khi được kích hoạt, phao EPIRB truyền đi tín hiệu cấp cứu, hệ thống vệ tinh Cospas-Sarsat thu nhận, lưu trữ và chuyển tiếp đến Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Phao EPIRB được chỉ định để được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp. Các sử dụng khác đều bị cấm.

Tuy nhiên, thực tế các tổ chức tìm kiếm cứu nạn nhiều lần đã xác định các nguồn tín hiệu đó không phải là các trường hợp khẩn cấp thực sự, đặc biệt là những nguồn được xác định vị trí trên đất liền. Trong những trường hợp này, các tổ chức tìm kiếm cứu nạn phải nhờ đến các cơ quan thực thi pháp luật hỗ trợ xác định vị trí và tắt nguồn phát. Những cảnh báo này thường được điều tra nguyên nhân là do sử dụng, bảo trì kém, vất bỏ bừa bãi các thiết bị phao EPIRB.

Theo số liệu điều tra và thống kê của tổ chức Cospas-Sarsat nguyên nhân chính của các báo động giả có liên quan đến việc sử dụng không đúng, bảo dưỡng kém hoặc thiếu nhận thức của các  nhân viên bảo trì và người sử dụng đối với các loại phao.

Để giảm thiểu các báo động giả từ phao EPIRB:
Đối với nhà sản xuất phao khi tháo cất an toàn hoặc để bảo trì, sửa chữa:

Người có trách nhiệm phải ngắt kết nối pin trước khi vận chuyển. Nếu các nhà sản xuất vận chuyển thiết bị thì họ sẽ tự áp dụng các biện pháp để ngăn chặn báo động giả. Tuy nhiên những người chưa được đào tạo chuyên môn không nên thực hiện công việc ngắt kết nối pin hoặc kết nối lại vì có thể làm cho phao EPIRB bị thấm nước gây kích hoạt nguồn và phát báo nạn giả.

Đối với các cơ quan quản lý nên thực hiện các khuyến cáo sau:

  • Thiết lập các liên kết chặt chẽ với các nhà khai thác tàu và nhân viên bảo trì EPIRB nhằm nâng cao sự hiểu biết của họ về các vấn đề phát báo nạn giả;
  • Giúp người sử dụng nhận thức các vấn đề về nguy cơ phát báo nạn giả xảy ra do xử lý và khai thác kém, trong quá trình bảo dưỡng và thử phao;
  • Cung cấp các hướng dẫn và thông tin để hướng dẫn chủ phao, các công ty cứu hộ, công ty phá dỡ và các nhà môi giới về việc loại bỏ đúng cách các phao không sử dụng;
  • Khuyến khích các thuyền viên nắm rõ các phương pháp để hủy bỏ một báo nạn giả;
  • Nếu một loại EPIRB cụ thể được phát hiện liên tục đưa ra các báo động giả do lỗi chức năng, Cơ quan quản lý cần thực hiện thủ tục Không tuân thủ (Non Compliance)  thông báo cho các cơ quan quản lý khác và các nhà sản xuất ra loại phao đó chưa đáp ứng các yêu cầu thiết yếu trong hướng dẫn “Thiết bị đầu cuối vô tuyến viễn thông” (RTTE) và thiết bị hàng hải để họ khắc phục.

Cuối cùng, nếu vì một lý do bất kỳ nào đó một phao EPIRB vô tình bị kích hoạt, người sử dụng phao phải ngay lập tức:

  • Đặt lại công-tắc phát về vị trí OFF.
  • Liên hệ ngay với các trung tâm phối hợp cứu nạn thích hợp thông qua một Đài Thông tin duyên hải hoặc Trung tâm Điều hành thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat (MCC) để tiến hành gửi điện báo hủy tín hiệu báo nạn giả.

Bức điện báo hủy cấp cứu giả cần nói rõ tên tàu, hô hiệu, mã nhận dạng hàng hải MMSI của tàu và mã nhận dạng 15 Hexa của phao EPIRB, hủy báo động cấp cứu lúc ngày, giờ UTC.

Ngoài ra, các tàu có thể sử dụng thêm các phương tiện thích hợp có sẵn của mình, chẳng hạn như Thiết bị gọi chọn số và thoại vô tuyến: VHF, MF, HF DSC/RTP hoặc các thiết bị Inmarsat để thông báo cho các cơ quan chức năng về một tín hiệu báo nạn giả đã được phát đi và xin được hủy bỏ.