(VNMCC) - Một con tàu có thể được trang bị đầy đủ các thiết bị trợ giúp an toàn nhưng nếu chúng ta không tìm hiểu và quan tâm đúng mức thì các thiết bị này sẽ không thể phát huy hết hiệu quả sử dụng, đặc biệt khi tàu gặp sự cố, rủi ro trên biển.
Theo khuyến cáo của các tổ chức Hàng hải quốc tế, đối với người đi biển khi gặp trường hợp nguy cấp đe dọa tính mạng, ưu tiên sử dụng các phương thức thông tin 2 chiều như Gọi chọn số DSC hoặc gọi thoại trên sóng canh cấp cứu, riêng đối với phao Epirb, thông thường là phương thức cuối cùng được sử dụng đến. Hầu như ít người quan tâm đến phương thức thông tin liên lạc hiệu quả này để đến lúc tàu chìm, phao mới có điều kiện tự động kích hoạt. Trong tình huống xấu, các phương thức trước không thành công thì đương nhiên việc báo nạn của tàu đã bị chậm trễ ít nhất vài chục phút.
Theo thống kê của tổ chức Cospas-Sarsat, tính đến tháng 12/2013, hơn 37.000 người trên thế giới đã được cứu sống trong hơn 10.000 vụ tai nạn bằng phương thức thông tin Cospas-Sarsat. Điển hình phải kể đến vụ tai nạn sau:
Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 13/05/2014, một nhóm người gồm 2 nam, 1 nữ thực hiện chuyến câu cá trên một chiếc thuyền trên bờ biển Queensland, phía đông bắc Úc 40 hải lý thì bất ngờ một con sóng lớn ập tới làm lật thuyền. Thật may mắn con sóng không nhấn chìm được họ, họ bám vào thành của chiếc thuyền và một thành viên trong đoàn đã nhanh chóng kích hoạt phao EPIRB mang theo. Tín hiệu báo nạn được tổ chức an toàn hàng hải của Úc nhận được lúc 4 giờ chiều cùng ngày và quan trọng hơn nữa là chiếc phao này đã được đăng ký thông tin. Theo thông tin điều tra biết chủ của chiếc thuyền cũng là chủ phao là bạn của 3 nạn nhân, ông không hề biết họ đã lấy chiếc thuyền đi, tuy nhiên ông cho biết thêm họ đã có ý tưởng đi câu cá tại rặng san hô John Brewer. Với những thông tin hữu ích đó, sau hàng giờ lênh đênh, những người bị nạn đã được cứu sống bởi một chiếc trực thăng của cảnh sát biển Townsville trong tình trạng sức khỏe tốt, tuy hơi bị sốc sau vụ tai nạn bất ngờ.
Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 27/04/2014, một người đàn ông du ngoạn trên du thuyền Elka đã đâm va vào vật thể lạ khi cách bờ biển 80 hải lý. Chiếc du thuyền bị hư hỏng nặng và đang chìm dần trong làn nước. Người đàn ông này ngay lập tức kích hoạt EPIRB mang theo trên du thuyền, tổ chức an toàn hàng hải Úc đã nhận tín hiệu này, cùng với vị trí nhận được từ phao và rada dò tìm vị trí hiện tại của chiếc du thuyền đã được phát hiện. Trước khi trời tối, người đàn ông đã được cứu thoát bởi trực thăng cứu nạn, trong khi đó chiếc du thuyền chìm toàn bộ phần thân trên.
Qua các tình huống trên, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm khi sử dụng phao báo nạn EPIRB như sau:
- Nếu bạn có trang bị cho mình phao EPIRB thì phải đăng ký thông tin đầy đủ cho chúng. Việc đăng ký này hoàn toàn miến phí nhưng rất quan trọng để đảm bảo Cơ sở Dữ liệu luôn sẵn sàng phục vụ cho công tác TKCN trên thế giới. Trong trường hợp mất phao, không sử dụng, thay phao mới các bạn cũng phải thông báo tới Trung tâm VNMCC chúng tôi để thông tin của bạn luôn được cập nhật, tránh lãng phí thời gian trong việc điều tra, xác minh thông tin về phao.
- Nếu không may gặp nạn, bạn nên kích hoạt đồng thời cả phao EPIRB với các phương thức thông tin liên lạc khác, vì thông thường các EPIRB đều gắn ngay trên boong phía mũi tàu và dễ thao tác, việc này sẽ tăng thêm tính hiệu quả và tin cậy của báo động cấp cứu từ tàu. Trong điều kiện đủ thời gian, ta nên tháo phao ra khỏi giá đỡ và mang theo xuống xuồng cứu sinh, khi đó việc tìm người trên biển sẽ hiệu quả hơn. Khi ngồi trên xuồng ta bật phao lên và luôn để phao thẳng đứng cao quá đầu người, không nên để phao nằm ngang, hay bị che chắn bởi các vật dụng khác trên thuyền điều này sẽ quyết định đến việc vệ tinh Cospas-Sarsat thu được tín hiệu sớm hay chậm. Tuy nhiên cách tốt nhất là buộc phao EPIRB vào xuồng cứu sinh hoặc vào phao cứu sinh để phao trôi nổi trên biển, tín hiệu sẽ tự động được phát đi sau khi phao gặp nước.
- Ngoài ra chúng tôi khuyên bạn trước mỗi chuyến đi, các bạn nên kiểm tra tình trạng hiện tại của phao bằng cách test thử phao, kiểm tra anten, kiểm tra pin…