(VNMCC) - Nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn sinh mạng cũng như phương tiện cho người đi biển, các thiết bị vô tuyến điện trên tàu là yêu cầu bắt buộc phải trang bị cho mọi phương tiện tàu thuyền cho dù đang hoạt động ở bất kỳ vùng biển nào trên thế giới.
Việc quan trọng hàng đầu là các thiết bị đó phải hợp chuẩn, người sử dụng phải được trang bị tốt những kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng khai thác thiết bị. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, còn tồn tại nhiều trường hợp chưa nắm rõ kiến thức về thiết bị, kỹ năng thao tác chưa chính xác gây ra tình trạng báo nạn cấp cứu giả, đặc biệt đối với thiết bị phao EPIRB. Người sử dụng cần lưu ý một số thông tin trong quá trình sử dụng phao EPIRB như sau:
1. Phao EPIRB là gì?
Phao EPIRB (Emergency Position Indicating Radio Beacon) là thiết bị chỉ báo vị trí khẩn cấp trên tần số 406 MHz, được lắp đặt, sử dụng trên tàu biển và công trình biển hoạt động ngoài khơi. Tất cả các phao EPIRB đều có bộ phát tín hiệu công suất thấp, anten phát và đèn flash nháy sáng chỉ báo phao đang phát tín hiệu.
2. Phao EPIRB được sử dụng khi nào?
Phao Cospas-Sarsat nói chung và phao EPIRB nói riêng chỉ được sử dụng trong các tình huống cấp cứu có khả năng đe dọa tính mạng con người. Khi phao được kích hoạt, nó giúp các cơ quan TKCN xác định được vị trí người bị nạn. Do đó, trong trường hợp rời tàu, người bị nạn được khuyến cáo lấy phao ra khỏi giá đỡ và mang theo, để phao nổi trên mặt nước và dùng dây trên thân phao buộc vào người hoặc bè cứu sinh, hoặc với phao có cơ chế kích hoạt nhân công có thể kích hoạt bằng tay và giữ phao theo chiều thẳng đứng khi đang trên bè cứu sinh.
3. Hệ thống Cospas-Sarsat xử lý tín hiệu báo nạn phát đi từ phao EPIRB như thế nào?
Tín hiệu báo nạn phát đi từ phao EPIRB được hệ thống vệ tinh toàn cầu Cospas-Sarsat thu nhận và xử lý. Sau đó, tín hiệu này được truyền xuống các trạm thu mặt đất LUT/MCC và được chuyển tiếp đến cơ quan tìm kiếm cứu nạn thích hợp.
4. Mã nhận dạng phao là gì?
Mã nhận dạng phao hay ID phao còn được gọi là số nhận dạng duy nhất (UIN) được in trên nhãn của mỗi phao, bao gồm 15 ký tự được mã hóa theo hệ Hexa với các số từ 0 đến 9 và các chữ cái từ A đến F. Mã nhận dạng này là duy nhất, được mã hóa theo các thông tin về MMSI, hô hiệu của phương tiện, từ đó cơ quan TKCN sẽ có được các thông tin liên kết tới người sử dụng hoặc cơ quan sở hữu dựa vào cơ sở dữ liệu quốc gia và quốc tế, biết được hành trình của phương tiện và triển khai nhanh chóng các hoạt động TKCN.
5. Phao EPIRB được kích hoạt bằng cách nào?
Việc kích hoạt phao EPIRB rất đơn giản, do đó cần thao tác chính xác để tránh phát đi tín hiệu báo nạn giả. Tất cả các loại phao đều có cơ chế kích hoạt tự động bằng cách đưa phao vào môi trường nước, lúc này 2 tiếp điểm trên thân phao được liền mạch và phao được kích hoạt. Một số loại phao có thêm cơ chế kích hoạt nhân công, bằng thao tác chuyển công tắc Switch về vị trí ON (hoặc rút chốt bảo vệ của công tắc này thì công tắc sẽ tự chuyển về trạng thái kích hoạt), việc thiết kế công tắc có thể khác nhau tùy theo từng hãng sản xuất nhưng đều có dãn nhán và hướng dẫn cụ thể trên thân phao. .
6. Kiểm tra hoạt động của phao EPIRB bằng cách nào?
Có thể tiến hành thử hoạt động của phao một tháng một lần mà không gây ảnh hưởng đáng kể đến pin phao bằng tính năng tự thử Self-test được thiết kế ở tất cả các loại phao. Trên phao có một nút TEST dùng trong trường hợp thử. Khi công tắc ở vị trí TEST, phao được kích hoạt, các đèn báo hiệu nháy sáng theo chu kỳ như trong trường hợp phao ở vị trí ON. Chú ý chỉ test phao trong thời gian không quá 50s, nếu thực hiện đúng các trạm thu mặt đất sẽ nhận biết được phao đang ở chế độ TEST, do đó tín hiệu này sẽ không được chuyển tiếp đến các cơ quan TKCN.
7. Khi nào cần thay thế pin của phao?
Pin của phao cứu nạn cần được thay thế trước hạn ghi trên nhãn dán trên thân phao. Tuổi thọ của pin của mỗi hãng sản xuất phao là khác nhau. Bạn nên thay thế pin theo hãng sản xuất.
8. Khi kích hoạt nhầm phao Cospas-Sarsat cần làm gì?
Khi phao Cospas-Sarsat bị kích hoạt nhầm thì việc cần làm ngay lập tức là tắt phao và nhanh chóng thông báo cho các cơ quan TKCN liên quan biết càng sớm càng tốt để hủy báo nạn. Tắt tín hiệu phao bằng cách chuyển công tắc kích hoạt về vị trí OFF (hoặc READY) hoặc sấy khô tiếp điểm trên thân phao nếu phao kích hoạt do gặp ẩm.
Tại Việt Nam, phao bị kích hoạt nhầm trong vùng trách nhiệm của Việt Nam hoặc phao có quốc tịch Việt Nam trên tàu hoạt động tại bất kỳ khu vực nào trên thế giới, có thể nhanh chóng liên lạc tới các Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải hoặc Trung tâm Điều hành Thông tin Vệ tinh Cospas-Sarsat để hủy báo nạn. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng nếu có thông tin cần giải đáp người sử dụng có thể liên lạc tới Trung tâm VNMCC theo số 0313 822181 hoặc email: vnmcc_op@vishipel.com.vn để nhận được trợ giúp và giải đáp thắc mắc.