An toàn trên biển là mục tiêu hàng đầu của ngành hàng hải quốc tế. Ngày 27/04/1979 Công ước về Tìm kiếm cứu nạn được phê chuẩn mang tên Công ước SAR-79 và công ước có hiệu lực từ ngày 22/06/1985. Mục tiêu của công ước là phát triển một kế hoạch TKCN Quốc tế để khi có bất kì một tai nạn nào xảy ra trên biển thì việc cứu người bị nạn sẽ được thực hiện bởi tổ chức TKCN quốc gia và khi cần thiết sẽ có sự phối hợp giữa các vùng TKCN lân cận.
Một chuyến hành trình may mắn, an toàn là điều mong muốn của chúng ta nhưng trong cuộc sống mọi điều đều có thể xảy ra kể cả những điều không may mắn, điều quan trọng là khi lâm vào tình huống nguy hiểm thì phải làm gì để nhanh chóng thoát khỏi tình huống nguy cấp đó ? Một trong những biện pháp vô cùng quan trọng và hiệu quả đó là: Hãy nhanh chóng trang bị cho bạn một thiết bị phao EPIRB - Phao vô tuyến chỉ báo vị trí cấp cứu. Tín hiệu phao được thu qua hệ thống vệ tinh của Cospas-Sarsat. Khi một con tàu bị mất liên lạc trên biển thì thiết bị này là một công cụ hữu hiệu.
Tại sao vậy?
Không thể phủ nhận rằng trong gần 30 năm qua, phao EPIRB đã thực sự giúp cứu sống hơn 33.026 sinh mạng trong tổng số 9.031 sự kiện Tìm kiếm cứu nạn (Theo thống kê của tổ chức Cospas-Sarsat từ khoảng tháng 9 năm 1982 đến tháng 12 năm 2011).
Phao EPIRB 406Mhz có lợi thế được phủ sóng toàn cầu, định vị vị trí chính xác, tín hiệu phát đáng tin cậy, có thông tin mã hóa nhận dạng tàu bị nạn. Thông tin nhận được từ phao 406Mhz bao gồm thông tin vị trí, số nhận dạng, mã nước của phao đăng ký và nhiều thông tin hữu ích khác, ngoài ra nhiều phao 406Mhz còn tích hợp tần số 121.5Mhz phát tín hiệu dẫn đường cho máy bay cứu nạn dò theo tín hiệu này đến vị trí tàu bị nạn giúp ích rất nhiều cho công tác TKCN.
Phao EPIRB sử dụng rất tiện lợi có thể kích hoạt tự động hoặc nhân công. với công nghệ vệ tinh hiện tại, phương thức báo nạn bằng phao EPIRB là phương thức thông tin 1 chiều từ tàu về bờ nên được sử dụng trong các tình huống như người bị nạn rời tàu mang theo phao xuống xuồng cứu sinh, hoặc buộc EPIRB vào phao cứu sinh để có thể liên tục phát tín hiệu vị trí hiện tại tới các cơ quan TKCN Hàng hải, trong trường hợp tàu chìm phao EPIRB sẽ tự động bật khỏi giá đỡ trên tàu khi đạt độ sâu từ 2-4m và nổi trên mặt nước biển để phát tín hiệu cấp cứu. Tuy nhiên các Cơ quan TKCN đều khuyến cáo trong các tình huống cấp cứu nếu có thể nên kích hoạt phao EPIRB cùng với các phương thức báo nạn khác để tăng tính hiệu quả và độ tin cậy của báo động cấp cứu phát đi từ tàu.
Phao EPIRB không những được dùng trong lĩnh vực hàng hải mà còn được sử dụng cả trong hàng không (ELT) và cả trên đất liền (PLB - loại phao cá nhân).
Tổ chức hàng hải Quốc tế - IMO, năm 1988 sửa đổi công ước An toàn sinh mạng trên biển 1974 (Solas 1974) thiết lập Hệ thống cấp cứu an toàn Hàng hải toàn cầu – GMDSS. Theo đó, các tàu từ 300 tấn trở lên bắt buộc phải trang bị phao vô tuyến định vị vị trí khẩn cấp vệ tinh (Satellite EPIRB). Khả năng tương thích phao 406MHz trong hệ thống Cospas-Sarsat thỏa mãn yêu cầu báo động của GMDSS
Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế - ICAO cũng khuyến cáo: Từ 7/2008, tất cả các phương tiện hàng không dưới quyền chi phối của công ước của ICAO phải trang bị phao định vị khẩn cấp (ELT) hoạt động trên tần số 406Mhz tương thích với hệ thống Cospas-Sarsat và kết hợp với phao 121.5 Mhz phục vụ cho mục đích dẫn đường.
Ngoài ra, rất nhiều quốc gia cũng yêu cầu các phương tiện vận tải phải trang bị phao ELT/EPIRB theo mục đich của các công ước Quốc tế. Một số nước cho phép sử dụng phao định vị các nhân 406Mhz (PLB) trên đất liền, tại những vùng xa xôi hẻo lánh hoặc những vùng khó khăn nguy hiểm (leo núi, thám hiểm ….)
Việc đăng ký phao EPIRB là vô cùng quan trọng, nhưng nhanh chóng, đơn giản. Bạn chỉ cần đăng ký các thông tin sau: Mã nhận dạng 15 kí tự của phao, Tên và số điện thoại của chủ phao, Số điện thoại và tên người liên hệ khẩn cấp, Loại phương tiện, Tên phương tiện, MMSI, Hô hiệu hoặc số nhận dạng khác
Việc đăng ký này hoàn toàn miễn phí nhưng lại giúp cho việc quản lý thông tin chủ sở hữu được dễ dàng và quan trọng hơn là khi bạn gặp sự cố sẽ giúp đơn vị TKCN nhanh chóng có đầy đủ thông tin để trợ giúp bạn.
Xin mời nghe bài đọc tại đây