|
Mô hình hệ thống Cospas-Sarsat |
Ngày 02/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 19/2013/QĐ-TTg ban hành Quy chế cung cấp, quản lý, khai thác dữ liệu phao Cospas-Sarsat và tiếp nhận, xử lý, truyền phát thông tin báo động cấp cứu Cospas-Sarsat. Theo đó, Quy chế này gồm 5 chương, 12 điều được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc cung cấp, quản lý, khai thác dữ liệu phao Cospas-Sarsat và tiếp nhận, xử lý, truyền phát thông tin báo động cấp cứu Cospas-Sarsat.
Để có cái nhìn rõ hơn về hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat, chúng tôi xin giới thiệu tổng quan về hệ thống này cũng như quá trình tiếp nhận, xử lý và truyền phát các thông tin cấp cứu phát từ phao 406 MHz.
Hệ thống thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat
Đây là một hệ thống thông tin vệ tinh trợ giúp tìm kiếm và cứu nạn, được thiết lập để xác định vị trí của thiết bị phao cấp cứu trên tần số 406 MHz. Hệ thống Cospas-Sarsat được sử dụng cho tất cả các tổ chức trên thế giới có trách nhiệm tìm kiếm và cứu nạn trên biển, trên không và đất liền.
Các thuật ngữ dùng trong bài viết:
-
LUT (Local User Terminal): Đài thu tín hiệu vệ tinh Cospas-Sarsat
-
MCC (Mission Control Centre): Trung tâm thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat
-
RCC (Rescue Coordination Centre): Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn
-
ARCC (Aviation Search and Rescue Coordination Center): Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không.
-
SPOC (SAR Point of Contact): Đầu mối TKCN.
Thành phần vệ tinh của Hệ thống gồm các vệ tinh địa tĩnh và quỹ đạo cực tầm thấp. Thành phần mặt đất gồm Đài thu tín hiệu vệ tinh Cospas-Sarsat (LUT) và các Trung tâm thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat (MCC). Trên thế giới hiện có trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức đang quản lý và khai thác 22 đài thông tin vệ tinh địa tĩnh (GEOLUT) và 58 đài thông tin vệ tinh quỹ đạo cực (LEOLUT). Hệ thống Cospas-Sarsat sử dụng các loại phao định vị cấp cứu sau:
-
Thiết bị phát tín hiệu vị trí khẩn cấp cho hàng không (ELT)
-
Thiết bị chỉ báo vị trí cấp cứu cho hàng hải (EPIRB)
-
Thiết bị phát tín hiệu vị trí cho đất liền (PLB).
-
Phao cảnh báo an ninh tàu cho hàng hải (SSAS).
Quá trình tiếp nhận, xử lý và truyền phát dữ liệu cấp cứu trong hệ thống Cospas-Sarsat được tiến hành như sau:
Các phao Cospas-Sarsat 406 MHz sẽ tự động kích hoạt trong những trường hợp chìm tàu, có va đập mạnh hoặc sẽ được người/nhóm người kích hoạt trong tình huống cấp cứu cần sự trợ giúp. Khi đó vệ tinh Cospas-Sarsat sẽ thu nhận và phát chuyển tiếp xuống các Đài thu tín hiệu vệ tinh Cospas-Sarsat (LUT) gần nhất. Đài LUT sẽ xử lý tín hiệu cấp cứu, thực hiện định vị vị trí phao và chuyển thông tin đến các Trung tâm thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat (MCC) liên đới. Sau khi MCC thu nhận dữ liệu từ đài LUT, sẽ kết hợp với thông tin từ các MCC khác đưa ra thông tin tổng hợp về sự kiện cấp cứu như: vị trí gặp nạn, nhận dạng phao báo hiệu... và cung cấp tới các SPOCs, RCCs liên đới nhằm giúp quá trình tìm kiếm cứu nạn được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả.
Việc truyền phát dữ liệu cấp cứu do MCC thực hiện phải tuân theo Kế hoạch phân phối dữ liệu của Cospas-Sarsat (Data Distribution Plan-DDP), theo những thủ tục, yêu cầu riêng của từng MCC và tới bất kì quốc gia nào nằm trong vùng trách nhiệm (service area) của MCC đó đã được chấp thuận.
Nguyên tắc phân phối dữ liệu: Việc trao đổi dữ liệu giữa các MCC trong hệ thống Cospas-Sarsat và truyền phát dữ liệu tới RCC hoặc SPOC liên đới dựa trên nguyên tắc sau: MCC sẽ xác thực các thông tin cấp cứu nhằm bảo đảm độ tin cậy và chính xác trước khi chuyển sang RCC hoặc SPOC; việc truyền phát dữ liệu kịp thời tới các RCC hoặc SPOC nào đó được xác định dựa trên vị trí địa lý của phao cấp cứu; việc cung cấp dữ liệu cho các SPOC tuân theo các thủ tục của Cospas- Sarsat, hoặc các thủ tục do MCC và SPOC thỏa thuận song phương trong vùng trách nhiệm.
Với các báo động hàng hải, bất cứ MCC nào không có khả năng chuyển dữ liệu cấp cứu tới SPOCs phù hợp thì dữ liệu sẽ được chuyển tiếp tới RCC trong cùng quốc gia. Với các báo động hàng không, bất cứ MCC nào không có khả năng chuyển dữ liệu cấp cứu tới SPOCs phù hợp thì dữ liệu sẽ được chuyển tiếp tới ARCC trong cùng quốc gia và cũng có thể cân nhắc tới việc liên hệ với bộ phận điều khiển không lưu quốc tế tại quốc gia có liên quan. Ngoài ra, các MCC cũng phải tuân thủ các thủ tục đã được tổ chức Cospas-Sarsat phê chuẩn: Loại bỏ các bức điện lặp; xử lý những mơ hồ về vị trí phao, và thông báo cho các bên về sự không chính xác của vị trí đã được xử lý ở trên; đảm bảo quá trình phân phối dữ liệu cấp cứu một cách liên tục bằng những kế hoạch dự phòng thích hợp.
Thủ tục phân phối dữ liệu: Dữ liệu cấp cứu là thuật ngữ chung chỉ báo động và dữ liệu vị trí Cospas-Sarsat sau quá trình xử lý tín hiệu từ phao cấp cứu 406 MHz. Dữ liệu báo động có thể chứa thông tin vị trí bị nạn của phao và thông tin mã hóa khác, bao gồm mã nhận dạng của phao.
MCC thu nhận dữ liệu báo động từ các Đài LUT mà nó quản lý hoặc từ các MCC khác và phân phối các dữ liệu này tới RCC hoặc SPOC thích hợp trong vùng trách nhiệm của mình, hoặc chuyển tiếp dữ liệu cảnh báo đó tới một MCC khác.
Dữ liệu cảnh báo được phân bổ theo các vùng địa lý như sau:
-
Trường hợp vị trí của phao nằm trong vùng trách nhiệm của MCC: Nếu MCC thu nhận dữ liệu cảnh báo từ phao có vi trí thuộc vùng trách nhiệm của mình thì nó sẽ chuyển các cảnh báo này tới cho SPOC liên đới hoặc trung tâm RCC quốc gia theo các thủ tục quốc gia hoặc Cospas-Sarsat.
-
Trường hợp vị trí của phao nằm trong vùng trách nhiệm của MCC khác: Nếu MCC thu nhận dữ liệu cảnh báo từ phao có vị trí thuộc vùng trách nhiệm của một MCC khác thì nó sẽ chuyển các cảnh báo này tới cho MCC đó theo thủ tục phân phối dữ liệu của Cospas-Sarsat.
-
Truờng hợp không xác định được vi trí của phao: Nếu xảy ra trường hợp hệ thống LEOLUT không thể xác đinh được vị trí của phao hoặc hệ thống GEOLUT chỉ thu nhận được duy nhất bức điện của phao mà không có thông tin vị trí thì cảnh báo đó được gọi là không xác định. Trong những trường hợp này bức điện chỉ chứa duy nhất số nhận dạng của phao bao gồm mã chỉ định quốc gia mà phao đăng ký. MCC sẽ phát thông tin này tới MCC hoặc SPOC của quốc gia đó.
Trên đây, chúng tôi đã giới thiệu toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý và truyền phát dữ liệu cấp cứu của phao 406 MHz. Hi vọng độc giả đã có cái nhìn cụ thể hơn về vai trò của hệ thống Cospas–Sarsat cũng như chức năng của mỗi thành phần trong hệ thống tham gia vào việc trực canh báo động cấp cứu.
Xuân Đông