• Điện thoại: +84-(0)225 382 2181
  • Fax: +84-(0)225 384 2979

Tổ chức và hoạt động của Trung tâm VNMCC trong Tổ chức Cospas-Sarsat

Thứ Tư, 19/03/2014, 10:04 GMT+7
Sơ đồ TKCN qua hệ thống Cospas-Sarsat (ảnh minh họa)

Nghiên cứu về khả năng sống sót của con người sau tai nạn máy bay cho thấy rằng người bị nạn có khả năng sống sót nhỏ hơn 10% nếu việc cứu hộ bị trễ quá 2 ngày, và tỉ lệ sống sót lên tới 60% nếu việc cứu hộ được thực hiện kịp thời trong vòng 8 tiếng. Sự khẩn cấp tương tự cũng được áp dụng trong các tình huống cấp cứu hàng hải hay trên đất liền. Thêm vào đó, việc xác định nhanh chóng vị trí bị nạn cũng góp phần làm giảm chi phí và thời gian cho các Đơn vị Tìm kiếm - Cứu nạn. Để giải quyết vấn đề đó, năm 1985, Canada, Pháp, Nga và Mỹ đã thiết lập hệ thống vệ tinh Cospas- Sarsat nhằm làm giảm thời gian tìm ra vị trí của các phương tiện bị nạn trên toàn thế giới.

Hệ thống Cospas-Sarsat là hệ thống thông tin vệ tinh toàn cầu của Tổ chức Cospas-Sarsat cung cấp thông tin báo động cấp cứu và thông tin vị trí trợ giúp hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển, vùng trời hay trên đất liền. Hệ thống Cospas-Sarsat sử dụng các phao báo động cấp cứu hoạt động trên tần số 406 MHz để cung cấp dữ liệu định vị vị trí cấp cứu tới các Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm và cứu nạn (SAR). Vị trí cấp cứu tính toán được cùng các thông tin liên quan khác được chuyển kịp thời tới các cơ quan hoặc tổ chức chịu trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn thích hợp.

Ở bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu về mô hình tổ chức của Hệ thống Cospas-Sarsat với các thành phần cơ bản gồm thiết bị đầu cuối, khâu mặt đất và khâu không gian. Bài này, chúng tôi tiếp tục chuyển tới các bạn các thông tin về tổ chức và hoạt động của Trung tâm điều hành thông tin vệ tinh Cospas-Sarsat Việt Nam (Trung tâm VNMCC).

Việt Nam là 1 thành viên trong tổ chức Cospas-Sarsat có thành phần mặt đất là hệ thống VNLUT/MCC, là 1 trong 80 LUT/ 31 MCC trên toàn thế giới (số liệu tính đến ngày 25/3/2013). VNLUT/MCC đang được quản lý và khai thác bởi Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL). Hoạt động chính thức từ tháng 8 năm 2005, đến nay Trung tâm VNMCC đã đóng góp không nhỏ vào công tác tìm kiếm và cứu nạn trong nước và quốc tế.

Nằm trong vùng phân phối dữ liệu Tây Bắc Thái Bình dương, Trung tâm VNMCC đã phối hợp chặt chẽ với MCC chủ Nhật Bản và các MCC khác như Trung Quốc MCC, Hồng Kông MCC, Đài Loan MCC, Hàn Quốc MCC và về hoạt động nghiệp vụ Cospas-Sarsat. VNMCC đã phối hợp và hợp tác chặt chẽ, đáp ứng đấy đủ các yêu cầu của tổ chức Cospas-Sarsat như là thực hiện tốt, kịp thời các báo cáo nghiệp vụ đột xuất và định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm; tham gia đầy đủ các đợt phối hợp thử nghiệm về kỹ thuật theo đề nghị hoặc theo yêu cầu và được đánh giá cao; tham gia có ý kiến đối với các vấn đề nghiệp vụ Cospas–Sarsat, có đại diện tham gia các cuộc họp thường niên của tổ chức.

Trung tâm VNMCC còn phối hợp nghiệp vụ Cospas-Sarsat với các MCC chủ và các MCC khác thuộc các Vùng phân phối dữ liệu Cospas-Sarsat khác như là MCC chủ Mỹ, MCC chủ Pháp, MCC chủ Tây Ban Nha, MCC chủ Australia, Thái Lan MCC, Singapore MCC, Thổ Nhĩ Kỳ MCC… Trong đó, Trung tâm VNMCC có phối hợp thường xuyên với Mỹ MCC về việc thử kênh liên kết để đảm bảo tính sẵn sàng, vì MCC chủ Mỹ là MCC chủ dự phòng cho MCC chủ Nhật Bản.

Ngoài các phối hợp nghiệp vụ thông thường, VNMCC đã có thỏa thuận với Hongkong MCC về thủ tục dự phòng hệ thống  theo quy định của Tổ chức Cospas-Sarsat nhằm đảm bảo tính dự phòng, theo đó khi Hongkong MCC bị sự cố thì Trung tâm VNMCC sẽ đảm nhiệm hoàn toàn trách nhiệm của Hongkong MCC và ngược lại. Do đó, định kỳ hàng năm Trung tâm VNMCC và Hongkong MCC thực hiện việc diễn tập dự phòng hệ thống dưới sự kiểm soát của đài chủ Nhật Bản MCC.

Không chỉ hỗ trợ các hoạt động TKCN trong nước, trên biển Đông, với vùng trách nhiệm mở rộng trên biển Đông, bao cả lãnh hải, lãnh thổ của Campuchia và Lào, Trung tâm VNMCC đã chính thức thực hiện phân phối các dữ liệu cấp cứu tới đầu mối liên hệ của Lào và Campuchia, bao gồm tất cả các báo động nằm trong vùng thuộc Campuchia/Lào và các báo động mang quốc tịch Lào/Campuchia không phân biệt vùng địa. Khi có yêu cầu từ phía Lào hoặc Campuchia, Trung tâm VNMCC sẵn sàng cung cấp các thông tin tra cứu được từ những cơ sở dữ liệu đăng ký  phao cũng như các hoạt động TKCN. Trung tâm VNMCC luôn giám sát chặt chẽ quá trình chuyển nhận dữ liệu tới các SPOCs và phối hợp xử lý ngay khi có sự cố kênh truyền. Hàng tuần, Trung tâm VNMCC tiến hành kiểm tra định kỳ tình trạng kênh truyền FTP, AFTN và FAX tới các SPOC của nước bạn. Trung tâm VNMCC luôn sẵn sàng phối hợp kiểm tra trạng thái kênh truyền, thiết bị bất kỳ lúc nào khi có yêu cầu từ phía Lào/Campuchia. Đồng thời, cung cấp thiết bị cho các SPOC của Lào và Campuchia để thiết lập các kênh thông tin cho việc thu nhận dữ liệu từ Trung tâm VNMCC và tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, các cuộc họp hằng năm và luân phiên tại Việt Nam, Lào, Campuchia để đánh giá kết quả hoạt động và thảo luận về sự hợp tác trong giai đoạn tiếp the

Với mong muốn đáp ứng tốt hơn nữa, hỗ trợ đắc lực hơn nữa trong việc cung cấp dữ liệu báo động cấp cứu, tổ chức Cospas-Sarsat đang nỗ lực để nâng cấp hệ thống vệ tinh hiện tại bằng cách triển khai thêm một hệ thống vệ tinh mới là hệ thống vệ tinh quỹ đạo cực tầm trung (MEOSAR).

Trung tâm VNMCC hoạt động theo chế độ trực canh cấp cứu liên tục 24/7. Khi thu được các điện báo động cấp cứu trong vùng trách nhiệm của VNMCC hoặc các phương tiện bị nạn có quốc tịch Việt Nam, ngay lập tức thông tin sẽ được chuyển tới các cơ quan tìm kiếm cứu nạn thích hợp theo thủ tục phân phối dữ liệu Cospas-Sarsat. Trung tâm VNMCC cũng thực hiện tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu, liên lạc trực tiếp với phương tiện báo nạn và/hoặc chủ tàu để xác minh vị trí tàu và tính chất tai nạn, trao đổi thông tin với các MCC nước ngoài để rút ngắn thời gian xác minh.

Để nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp TKCN quốc tế, Trung tâm VNMCC luôn duy trì và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu đăng ký phao quốc gia vào cơ sở dữ liệu đăng ký phao quốc tế IBRD. Đến nay hệ thống đã cập nhật lên CSDL này là 825 phao EPIRB và 20 phao ELT.

Với đội ngũ Khai thác viên/ Kỹ thuật viên có kinh nghiệm, trình độ và tính kỷ luật cao, Trung tâm VNMCC luôn hỗ trợ khách hàng nhiệt tình trong các vấn đề: giải đáp thắc mắc, hướng dẫn sử dụng và đăng ký thông tin cho phao,…

Trong thời gian qua, Trung tâm VNMCC đã phối hợp và làm tốt công tác cung cấp thông tin cho các hoạt động TKCN trong nước và quốc tế, làm cầu nối về hoạt động nghiệp vụ Cospas-Sarsat phục vụ cho công tác TKCN giữa các MCC khác trong hệ thống với các SPOC của Lào và Campuchia. Qua đó, Trung tâm VNMCC đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình trên trường quốc tế.

Xuân Đông